Điếc đột ngột do tự ý dùng thuốc
ĐIẾC ĐỘT NGỘT DO TỰ Ý DÙNG THUỐC
Có nhiều người thường tự dùng thuốc nhỏ tai, thuốc trị ho kéo dài, mà không hiểu rõ tác dụng phụ, dẫn đến bị suy giảm khả năng nghe, dần dần bị điếc, thậm chí bị điếc đột ngột. Có cả trường hợp bác sỹ kê đơn cho bệnh nhân cũng không lường trước tác dụng phụ.
Chúng tôi đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, hiện phụ trách Phòng Tai mũi họng - Bệnh viện Hồng Hà - để làm rõ vấn đề này.
Bị điếc khi dùng thuốc ho
Anh H. bị ho dai dẳng và được một bác sỹ bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội kê đơn thuốc kháng sinh Gentamycine dạng tiêm liên tục suốt 1 tháng. Sau tiêm, anh H. thấy chóng mặt, buồn nôn, ù tai, nhưng bác sỹ vẫn tiếp tục cho bệnh nhân dùng và khẳng định không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Không lâu sau đó, anh H. hoàn toàn không nghe thấy gì nữa. Anh đi khám tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương thì được chẩn đoán bị điếc do tác dụng phụ của Gentamycine.
Thuốc thông thường, giá rẻ, tưởng vô hại
Nhiều gia đình chỉ thấy trẻ con húng hắng ho là cho tiêm thuốc Gentamycine, vì kháng sinh này khá rẻ (khoảng 1.000 đồng/ống), lại có tác dụng cắt cơn ho rất tốt.
Nhiều bác sỹ ở các cơ sở y tế tuyến dưới, thậm chí cả một số bác sỹ tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cũng kê Gentamycine cho bệnh nhân bị bệnh viêm đường hô hấp trên và dùng kéo dài, mà không để ý đến phần chống chỉ định của thuốc. Gentamycine là loại thuốc có nguy cơ gây ngộ độc cả ốc tai và tiền đình với triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất là chóng mặt.
Bị điếc khi dùng thuốc nhỏ tai
Các thuốc nhỏ tai như Polydexa, Otipax… rất hay được bác sỹ kê đơn hoặc bệnh nhân tự mua về dùng. Thuốc có tác dụng rất tốt với viêm ống tai ngoài, nhưng trong thành phần những thuốc này có chất dễ gây ngộ độc tai trong. Do đó, phần hướng dẫn sử dụng thuốc ghi rõ "không sử dụng thuốc trong trường hợp màng nhĩ bị thủng, chỉ được sử dụng cho viêm tai giữa cấp màng nhĩ không thủng". Nhưng nhiều người vẫn có tâm lý thích dùng thuốc ngoại và không để ý tới điều này.
Có không ít trường hợp bác sỹ kê đơn thuốc Colydexa do Việt Nam sản xuất với giá rẻ, nhưng bệnh nhân lại mua Polydexa, dẫn đến các triệu chứng ban đầu của điếc và có thể dẫn tới điếc đột ngột..
Nếu không được phát hiện sớm và ngừng dùng thuốc thì bệnh nhân có thể điếc vĩnh viễn. Dùng sai thuốc nhỏ tai cho trẻ em sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với người lớn, vì khó phát hiện sớm, dễ gây điếc vĩnh viễn, không hồi phục.
Không để ý các triệu chứng sớm
Điều nguy hiểm là tới đây, danh sách các loại dược phẩm có thể gây ngộ độc tai sẽ còn kéo dài thêm, vì liên tục có các sản phẩm mới ra đời. Trong khi đó, các triệu chứng của điếc do thuốc không dễ xác định. Chúng có thể xuất hiện ngay sau lần dùng thuốc đầu tiên, có thể hơn, thậm chí là khi đã sử dụng hết cả liều điều trị. Các tổn thương tai có thể xảy ra cả hai bên hoặc một bên tai.
Trong đó, tổn thương một bên tai thường được phát hiện muộn, nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi nếu không để ý các triệu chứng. Mức độ ngộ độc tùy thuộc rất nhiều vào chủng loại thuốc, liều lượng, thời gian dùng thuốc, lứa tuổi. Mức độ gây hại sẽ nặng hơn với người có bị suy thận, có tiếp xúc với tiếng ồn, sốt, giảm khả năng nghe từ trước.
Không nên thụ động
Khi dùng bất kỳ thuốc nào mà có các triệu chứng ù tai, chóng mặt, nghe kém thì cần dừng thuốc và đến cơ sở y tế chuyên khoa tai thần kinh để kiểm tra và điều trị kịp thời. Nếu người bệnh được phát hiện muộn sẽ dẫn tới điếc đột ngột và rất khó hồi phục thính lực.
Nhất là người dùng thuốc để điều trị viêm tai thì càng cần chú ý những biểu hiện nói trên. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc. Đặc biệt, ngay cả khi có bác sỹ kê đơn thì vẫn cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Người bệnh không nên thụ động hoàn toàn khi dùng thuốc để tránh những sự cố đáng tiếc.
Nguồn KenhSucKhoe.vn