Rất nhiều người nhầm tưởng viêm màng não mủ chỉ là bệnh của riêng trẻ em nhưng thực tế đây là bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Trong những ngày hè nắng nóng, chúng tôi ghi nhận không ít các trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu vì các tác nhân gây ra viêm màng não mủ.
Rất nhiều người nhầm tưởng viêm màng não mủ chỉ là bệnh của riêng trẻ em nhưng thực tế đây là bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Trong những ngày hè nắng nóng, chúng tôi ghi nhận không ít các trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu vì các tác nhân gây ra viêm màng não mủ.
Các dấu hiệu bệnh ban đầu dễ bỏ qua
Sau 3 ngày đi du lịch ở biển, ông Phạm Văn T, 54 tuổi (Duy Tiên - Hà Nam) đau đầu dữ dội, sốt 39,40C. Lo ngại ông T, bị tai biến mạch não, gia đình đưa bệnh nhân chuyển thẳng lên Khoa cấp cứu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. ThS. Hoàng Bùi Hải, Khoa cấp cứu của bệnh viện cho biết, khi vào viện, ông T, đã bị cứng gáy, ý thức lơ mơ, điều đáng nói là bệnh nhân này còn trong tình trạng kích thích vật vã vì sảng rượu, do bản thân bệnh nhân là một người nghiện rượu lâu năm. Nghi ngờ đây là một trường hợp viêm màng não mủ, các bác sĩ quyết định chọc dịch não tủy, phát hiện dịch não tủy bị đục, đây là dấu hiệu quan trọng xác định nguyên nhân gây ra các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân viêm màng não mủ do vi khuẩn. Được biết trong mấy ngày đi du lịch, ông T, đã có dấu hiệu đau đầu, chảy nước mũi, đau họng, hơi sốt nhưng chủ quan nghĩ rằng do thời tiết nắng nóng nên khi bệnh nặng mới đi bệnh viện.
ThS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm màng não mủ không chỉ gặp ở trẻ em mà còn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên với các biểu hiện ban đầu như: Sốt cao trên 390C (cũng có trường hợp không sốt cao), chảy nước mũi, ho... vì thế rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng cảm cúm, viêm họng, viêm mũi. Khi bệnh biến chứng nặng thì hiệu quả điều trị hạn chế, thậm chí người bệnh có thể tử vong.
Viêm màng não mủ
Biến chứng nặng ở người có bệnh lý nền và nghiện rượu
Theo ThS. Hoàng Bùi Hải, điều trị cho bệnh nhân T, gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân là một người sảng rượu, ảnh hưởng lớn đến nhận thức của người bệnh, khó đánh giá khả năng biến chuyển bệnh. Mặt khác người nghiện rượu là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn, do sức đề kháng kém. Nếu may mắn qua khỏi, rất có thể bệnh nhân sẽ chịu di chứng về vận động, suy giảm trí nhớ...
ThS. Nguyễn Hồng Hà cũng cho hay, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (Hemophilus influenzae typ b) hay gặp ở trẻ em nhưng ở người lớn thì rất nhiều nguyên nhân, các tác nhân thường gặp là phế cầu khuẩn, não mô cầu, tụ cầu khuẩn. Các vi khuẩn này có thể từ vị trí tai mũi họng, phổi đi theo đường máu vào trong não hoặc đi theo đường kế cận từ các ổ nhiễm khuẩn cạnh màng não hoặc cũng có thể đi trực tiếp vào não khi bị chấn thương nứt vỡ sọ... Vì thế, những người có các bệnh lý nền như tổn thương ở tai, viêm xoang, chấn thương sọ não, suy giảm miễn dịch là những đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt, những người đái tháo đường khi bị nhiễm E.Coli cũng có thể dẫn đến viêm màng não mủ.
Thời tiết mùa hè thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn gây viêm màng não mủ
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, nhiều tác nhân gây viêm màng não mủ ở người lớn có điều kiện phát triển trong mùa hè nóng ẩm, đặc biệt là tụ cầu khuẩn. Chỉ cần một tổn thương nhỏ ở tai khiến tụ cầu khuẩn xâm nhập cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho não. Vì thế vấn đề vệ sinh thân thể và điều trị triệt để các bệnh lý nền là một biện pháp quan trọng ngăn chặn viêm màng não ở người lớn.
ThS. Nguyễn Hồng Hà cho biết, tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, mỗi năm có tới vài trăm bệnh nhân mắc phải viêm màng não mủ đến điều trị, đa số họ nhập viện với nhiều biến chứng phức tạp, vì thế có những người may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng phải gánh chịu nhiều di chứng nặng suốt cuộc đời, mất khả năng lao động, vận động. Khác với các tác nhân virut khi gây bệnh để lại kháng thể nhưng với các loại vi khuẩn thì có thể tái nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Mặc dù đây là bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh nhưng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng là một khó khăn trong cuộc chiến với bệnh lý này.
Viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib ở trẻ em đã được ngăn chặn bằng vaccin
Viêm màng não mủ do Hib ở trẻ em là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm, ước tính khoảng 8 triệu trường hợp viêm phổi, viêm màng não mủ, và khoảng 400.000 trẻ tử vong do Hib, điều đáng quan tâm là phần lớn số mắc và tử vong ở các quốc gia có thu nhập thấp. Riêng ở Việt Nam, các kết quả giám sát cho thấy, số trẻ mắc và tử vong do vi khuẩn Hib gây ra không ngừng tăng lên trong những năm qua. Trước sự đe dọa sức khỏe trẻ em của vi khuẩn Hib và thẩm định chắc chắn hiệu quả của vaccin Hib, từ năm 2006, WHO khuyến cáo đưa vaccin Hib vào Chương trình TCMR ở tất cả các nước. Các nghiên cứu cho thấy nếu trẻ được tiêm đủ mũi vaccin Hib sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh do Hib ở trẻ nhỏ tới trên 90%. Các kết quả đánh giá hiệu quả của vaccin Hib cho thấy ở những nước đã đưa vaccin này vào TCMR một vài năm thì tình hình mắc bệnh do Hib giảm đi đáng kể. Phòng bệnh do Hib thông qua tiêm chủng ngày càng trở nên quan trọng khi tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Từ 6/2010 tất cả trẻ em Việt Nam dưới 1 tuổi được tiêm miễn phí vaccin 5 trong 1, trong đó có thành phần vaccin Hib để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Nguồn suckhoedoisong.vn