Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị điếc càng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời càng có khả năng phục hồi cao, nhất là dưới 2 tuổi. Với những trẻ sinh non, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, mẹ bị bệnh trong khi mang thai… càng phải lưu ý hơn để tránh trường hợp trẻ bị câm do điếc.
Nhận biết và phòng ngừa điếc bẩm sinh
Sử dụng thuốc không đúng cách là nguyên nhân gây điếc ở trẻ
Sử dụng thuốc không đúng cách
Báo điện tử VOV cho biết, ngoài yếu tố di truyền, việc sử dụng thuốc tùy tiện cũng gây mất thính giác ở trẻ.
Trên thực tế, trẻ bị điếc bẩm sinh không chỉ do di truyền mà còn do nhiều tác động khác từ quá trình mang thai của người mẹ, hoặc trẻ gặp tai biến trong khi chào đời.
Có thể trong quá trình mang thai, người mẹ đã vô tình dùng các loại thuốc kháng sinh như: Streptomycin, Neomycin. Những loại thuốc này khi vào trong cơ thể mẹ đã gây độc cho ốc tai của thai nhi.
Hoặc ở ba tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu mẹ bị nhiễm virus Rubella và một số virus khác, trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ bị điếc khá cao.
Một số phụ nữ không phát hiện ra việc mình đang mang thai nên vô tình dùng các loại thuốc như quinine, arsenic… Chính điều này làm tổn thương đến thính giác của trẻ sau khi chào đời.
Về mặt di truyền, các nhà khoa học đã tìm ra một loại gien có tên gọi PDS. Chính gien này đã là thủ phạm gây ra chứng điếc bẩm sinh ở trẻ. Nếu bố và mẹ không bị câm hoặc điếc nhưng cả hai đều mang trong người gien điếc lặn, trẻ sinh ra cũng có nguy cơ bị điếc.
Ngoài ra, trong quá trình mang thai, người mẹ mắc phải các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, lậu cũng làm cho trẻ bị điếc khi chào đời.
Các tai biến trong quá trình chào đời như sinh non, ngạt thở, sinh khó, bị vàng da… đều có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị điếc.
Với những trẻ bị điếc, nếu không được phát hiện kịp thời, vỏ não sẽ mất đi khả năng phân tích, nhận biết âm thanh xung quanh. Khả năng trẻ bị câm khá cao.
Để điều trị, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp cấy ốc tai điện tử nên được hiện cho trẻ dưới hai tháng tuổi. Như vậy, trẻ sẽ có khả năng nghe, nói và đến lớp được khi đến tuổi.
Ốc tai điện tử gồm hai bộ phận. Một bộ phận được cấy vào tai, phần kia gắn ngoài tai để thu nạp âm thanh. Sau khi cấy, trẻ phải trải qua ít nhất ba năm để tập nghe với các bác sĩ ở bệnh viện, bố mẹ cần thường xuyên luyện tập cho trẻ tại nhà.
Sau khi được cấy ốc tai điện tử, trẻ cần một chế độ chăm sóc, vệ sinh cơ thể riêng. Nếu giữ gìn vệ sinh không cẩn thận, để nước rơi vào tai, gây viêm mũi, trẻ có thể mắc bệnh viêm tai giữa.
Để phòng ngừa bệnh cho con, khi mang thai, người mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc, khi khám thai định kỳ để theo dõi tiến trình phát triển của thai nhi.
Phát hiện sớm điếc bẩm sinh
Báo Sức khỏe đời sống cho biết, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh: phát hiện sớm điếc bẩm sinh đặc biệt trong 6 tháng đầu đời và can thiệp sớm có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và nói chuyện bình thường so với những đứa trẻ khác. Trước đây việc tầm soát nghe kém chỉ thực hiện trên những trẻ có nguy cơ cao, nhưng hiện nay tại các nước phát triển chương trình này được áp dụng thường quy cho các bé khi vừa chào đời, trước khi xuất viện hoặc 2 tuần sau sinh.
Ủy ban Chăm sóc sức nghe trẻ em JCIH sau đó đã đưa ra quy trình tầm soát và can thiệp sớm cho trẻ bị khiếm thính cụ thể và hoàn chỉnh hơn. Tất cả trẻ nên được tầm soát khiếm thính trước 1 tháng tuổi.
Những trẻ có bất thường thính lực trong 2 lần kiểm tra đầu tiên cần được đánh giá tình trạng sức khỏe toàn diện và thính lực trước khi được 3 tháng tuổi.
Khi chẩn đoán nghe kém đã xác định, trẻ cần được can thiệp sớm trước 6 tháng bằng cách đeo máy trợ thính, cấy điện ốc tai hay sử dụng các thiết bị hỗ trợ thích hợp. Chương trình tầm soát trẻ khiếm thính trước đây đã được thực hiện với phương tiện sơ khai tạo tiếng ồn để quan sát phản ứng của trẻ.
Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có thể tầm soát căn bệnh này cho trẻ bằng các phương tiện như khảo sát âm ốc tai, đo điện thính giác thân não hay đánh giá đáp ứng điện sinh lý với các kích thích thính giác nhanh…
Nguồn suckhoenhi.vn